Trong hoạt động xây dựng có các hình thức lựa chọn nhà thầu nào? Ai có quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu?
* Các hình thức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định tại Điều 97 của Luật Xây dựng như sau:
- Đấu thầu rộng rãi: Được thực hiện để lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình, không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia.
- Đấu thầu hạn chế: Được thực hiện để lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng công trình đối với công trình xây dựng có yêu cầu kỹ thuật cao và chỉ có một số nhà thầu có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng được mời tham gia dự thầu.
- Chỉ định thầu: Là hình thức bên mời thầu mời trực tiếp một nhà thầu có đủ năng lực thực hiện gói thầu đến đàm, ký kết hợp đồng.
- Thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng: Được thực hiện nhằm lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình dựa trên hồ sơ mời thi tuyển của chủ đầu tư. Tác giả của phương án thiết kế trúng tuyển sẽ được ưu tiên thực hiện các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực thiết kế hoặc có thể liên danh với tổ chức tư vấn thiết kế đủ điều kiện năng lực để thực hiện.
*Việc quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu do người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư lựa chọn tuỳ theo quy mô, tính chất và nguồn vốn xây dựng công trình. Đối với gói thầu sử dụng vốn Nhà nước, người quyết định đầu tư có quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu, phù hợp với quy định về quản lý ngân sách Nhà nước. Đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn còn lại, chủ đầu tư xây dựng công trình có quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.
15:47' 9/4/2010