Những năm gần đây với sự lỗ lực của toàn ngành xây dựng, đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ Xây dựng đã vươn lên hội nhập cùng với sự phát triển chung của đất nước và thế giới trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên sâu. Đặc biệt hệ thống pháp luật về lĩnh vực xây dựng đã được ban hành, phủ kín các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Ngoài các Luật như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, theo đó có nhiều Nghị định và Thông tư được ban hành nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật; Bộ Xây dựng đã điều chỉnh, ban hành mới hàng nghìn tiêu chuẩn xây dựng và công bố hàng chục nghìn định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ cho các lĩnh vực trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, qua kết quả trong thực thi pháp luật cho thấy hệ thống pháp luật còn có những hạn chế nhất định như: sự chồng chéo giữa hệ thống pháp luật xây dựng với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu chưa được xử lý kịp thời, một số các quy định chưa đi vào cuộc sống, chậm thay đổi, nhưng dù sao cũng phải khẳng định rằng với hệ thống pháp luật bao trùm, phủ kín các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã tạo ra một hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng đúng hướng và phát triển ổn định góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Một vấn đề đặt ra là: mặc dù hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và đầy đủ, nhưng việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi, nhiều trường hợp thiếu nghiêm minh nhưng không được xử lý, phải chăng là hệ thống pháp luật thiếu chế tài mạnh? trong khi việc xử lý người vi phạm không được đặt ra ở các pháp luật chuyên ngành hoặc có quy định thì rất chung chung mà chỉ được quy định ở các luật pháp khác. Chính vì vậy việc vi phạm pháp luật xây dựng còn diễn ra ở nhiều nơi như: công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng thiếu những bản đồ quan trọng, là linh hồn của đồ án quy hoạch xây dựng; việc điều chỉnh quy hoạch không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tình trạng xây dựng khu đô thị, xây dựng công trình thiếu cốt chuẩn, mật độ xây dựng dày đặc, thiếu cây xanh, thiếu các công trình hạ tầng xã hội; đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa xây dựng xong đã quá tải... tất cả những vấn đề đó đã tạo ra một khu đô thị, một đô thị không theo ý muốn của xã hội, sẽ là những cản trở cho sự phát triển lâu dài của đô thị và của đất nước.
Pháp luật về đấu thầu trên thực tế hầu như không có hiệu quả, đôi khi còn tạo ra kẽ hở cho các tiêu cực pháp sinh. Nhiều gói thầu được sự “cộng tác” của chủ đầu tư với các nhà tư vấn đôi khi có cả nhà thầu nâng giá gói thầu lên 1,2 - 1,5 lần giá trị thật để đưa ra đấu thầu, để chọn giá “thấp nhất” trong khi cái “thấp nhất” đã quá cáo so với giá trị thật của gói thầu.... bài học về đấu thầu, tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu thì chúng ta đã rõ nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn.
Nhìn chung còn nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật xây dựng nói riêng cần phải được chấn chỉnh, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật xây dựng phải nghiêm minh. Có như vậy, thì pháp luật mới đi vào cuộc sống và trả lại sự bình đẳng cho các tổ chức cá nhân tham gia các lĩnh vực trong hoạt động xây dựng.
Báo Xây dựng & Pháp luật ra đời, tôi hy vọng đây sẽ là diễn đàn của những người tâm huyết với ngành Xây dựng, Báo có thể nêu những tồn tại, bất cập của pháp luật xây dựng để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Báo có thể nêu ra nhiều việc làm tốt, những gương mặt tốt thực thi pháp luật tốt để tôn vinh, hoặc có thể nêu những vụ việc cụ thể, con người cụ thể vi phạm pháp luật về xây dựng ảnh hưởng đến đời sống xã hội để rút kinh nghiệm và đây cũng là một kiểu “chế tài” đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.Chúc Báo Xây dựng & Pháp luật có sức sống mãnh liệt, phong phú và tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc. |