Tìm kiếm
Hotline
  • 097 950 9999
    0989 135 967

Liên kết
Thống kê
  • Online: 44
  • Số lượt truy cập: 20364489
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Những góc nhìn đa chiều

Ngày 27/3, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (MTXDVN) một lần nữa tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các hội viên và cộng tác viên đóng góp cho đồ án Quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đồng thời thông qua dự thảo nhận xét của Hội về đồ án mà Hội dự kiến gửi đến Thường trực Quốc hội, Thường trực Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Ngày 27/3, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (MTXDVN) một lần nữa tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các hội viên và cộng tác viên đóng góp cho đồ án Quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đồng thời thông qua dự thảo nhận xét của Hội về đồ án mà Hội dự kiến gửi đến Thường trực Quốc hội, Thường trực Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Trước đó, Hội đã gửi đến Cục Phát triển Đô thị dự thảo bản nhận xét nói trên đề cập đến 10 nội dung chính của đồ án. Cục đã yêu cầu các nhà tư vấn tham gia nghiên cứu đồ án giải trình các vấn đề MTXDVN nêu và đồng chủ trì hội thảo (ngày 27/3) cùng Hội. Để rộng đường dư luận, Báo Xây dựng xin trích giới thiệu một số một dung.


Ảnh: Duy Tường

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội?

Theo quan điểm của Hội MTXDVN, Thủ đô Hà Nội không phải là một đô thị độc lập thông thường như các đô thị khác. Thủ đô Hà Nội thực chất là một vùng đô thị rộng lớn. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.

Do vậy, Hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan: Cần phải thực hiện lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đầy đủ đối với đồ án QHC Hà Nội và báo cáo này phải được trình Hội đồng thẩm duyệt môi trường quốc gia thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hơn thế, trong dự thảo báo cáo, nhận xét về nội dung đánh giá ĐMC trong bản thuyết minh trình thẩm định, Hội MTXDVN cho rằng phần ĐMC hoàn toàn chỉ là giải trình, minh họa về BVMT của đồ án quy hoạch, không đánh giá hết các tác động trực tiếp, gián tiếp, tương hỗ, tích lũy của các giải pháp quy hoạch đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt là không có phần đề xuất, điều chỉnh, sửa đổi quy hoạch (nội dung, quy mô, lộ trình thực hiện) trên quan điểm BVMT, không có kiến nghị các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường để bảo đảm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khi thực hiện quy hoạch.

Không làm sai luật

Giải trình các nội dung nói trên, Cục Phát triển Đô thị (đại diện Bộ Xây dựng) khẳng định: QHC Hà Nội đã được thực hiện đúng luật.  Bởi theo Cục, QHC Hà Nội không phải là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội do vậy không phải lập báo cáo ĐMC độc lập theo như quy định của Luật BVMT năm 2005.

Hơn nữa, Luật Quy hoạch Đô thị cũng đã quy định rất rõ: “ĐMC là một nội dung của đồ án QHC, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật” (Điều 39) và việc thẩm định ĐMC được thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định đồ án quy hoạch đô thị (Điều 40)

Cục Phát triển Đô thị khẳng định: Hà Nội cũng là một đô thị nên nội dung thực hiện và quá trình thẩm định phải theo Luật Quy hoạch đô thị. Trong Luật Quy hoạch đô thị chưa có quy định hay ưu tiên quy định “QHC Hà Nội cần phải lập báo cáo ĐMC hoàn chỉnh và phải thông qua báo cáo này tại Hội đồng thẩm định Quốc gia” nên đề xuất của hội MTXDVN là không có căn cứ và làm sai quy định của pháp luật.

Đâu phải chỉ các nhà môi trường mới đưa ra được giải pháp BVMT.

Về ý kiến “nội dung thực hiện ĐMC trong bản thuyết minh thẩm định chỉ là giải trình, minh họa về BVMT” của Hội MTXDVN, Cục Phát triển Đô thị cho rằng đây là ý kiến thiếu căn cứ khoa học. Bởi nội dung đánh giá ĐMC được thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật ĐMC cho quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo và ban hành. Nội dung tổng hợp ĐMC được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thực hiện những nội dung chủ yếu như đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường, đề ra các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu khắc phục tác động và lập kế hoạch giám sát môi trường…

Cục cũng cho rằng ý kiến “ĐMC không có phần đề xuất điều chỉnh, sửa đổi quy hoạch (nội dung, qui mô, lộ trình thực hiện) trên quan điểm BVMT” là không đúng và thiếu thông tin vì Hội MTXDVN nhận xét dựa trên báo cáo tóm tắt (4 trang), không đủ thông tin, không xem xét đầy đủ, bao quát toàn bộ quá trình thực hiện ĐMC. Báo cáo tổng hợp ĐMC QHC Hà Nội tiến hành song song với từng giai đoạn thực hiện quy hoạch. Với mỗi phương án QH điều chỉnh ĐMC đều có đánh giá, xem xét, lồng ghép BVMT với phát triển bền vững từ các định hướng phát triển không gian của từng phương án, định hướng hạ tầng kỹ thuật nhằm đề xuất các giải pháp bảo vệ, xác định các vùng bảo vệ môi trường (trang 90-96). Hơn nữa, trong nội dung các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, vệ sinh môi trường....) nghiên cứu đã lồng ghép, xem xét các vấn đề bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường (trang 77 đến trang 108).

Về ý kiến ĐMC “không kiến nghị các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường để đảm bảo được mục tiêu BVMT và PTBV” của Hội, theo Cục Phát triển đô thị:  Đây là một nhận định sai lầm. Đâu phải chỉ có ĐMC hay các nhà môi trường mới đưa ra được giải pháp BVMT. Bản thân đồ án quy hoạch đã là hệ thống các giải pháp cho BVMT. Báo cáo ĐMC cũng có các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm được xem xét và đánh giá đầy đủ (trang 119 - 131), có lồng ghép mục tiêu BVMT từng khu vực qui hoạch đồng thời xác định các phương án thay thế, điều chỉnh các dự án chiến lược, đề xuất các giải pháp kỹ thuật, quản lý giảm thiểu ô nhiễm đối với từng thành phần môi trường, từng khu vực cụ thể.


(Theo báo xây dựng)

14:46' 30/3/2010